Cefepime 1g

TÓM TẮT – Cefepim

NHÓM THUỐC:

Kháng sinh nhóm Cephalosporine thế hệ IV

THÀNH PHẦN:

Cefepime 1g

CHỈ ĐỊNH:

Nhiễm khuẩn nặng đường niệu có biến chứng (kể cả có viêm bể thận kèm theo)
Viêm phổi nặng có kèm theo nhiễm khuẩn huyết do các chủng nhạy cảm với thuốc.
Nhiễm khuẩn nặng ở da và cấu trúc của da do các chủng Staphylococcus aureus nhạy cảm với methicilin và do các chủng Streptococcus pyogenes nhạy cảm với cefepim.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

Người bệnh dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin.
Người bệnh dị ứng với L – arginin.

TÁC DỤNG:

Thuốc có tác dụng kháng khuẩn do ức chế tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn.
Điều trị nhiễm khuẩn đường niệu nặng có biến chứng (kể cả trường hợp có viêm bể thận kèm theo) do các chủng E. coli hoặc Klebsiella pneumoniae hoặc Proteus mirabilis nhạy cảm với thuốc.
Các vi khuẩn nhạy cảm khác gồm có:
Enterobacteriaceae, Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Moraxella (Branhamella) catarrhalis, Neisseria gonorrhoeae, các chủng Staphylococcus (trừ Staphylococcus aureus kháng methicilin).
Các chủng Streptococcus. Cefepim không bị beta lactamase của các vi khuẩn Gram âm thủy phân.
Có thể có tác dụng lên một số chủng Enterobacteriaceae và P. aeruginosa kháng cefotaxim hay ceftazidin.
Cefepim có tác dụng lên các vi khuẩn Gram dương (v.d. các Staphylococcus) mạnh hơn ceftazidim và có tác dụng tương tự như ceftriaxon.
Thuốc tác dụng yếu lên các vi khuẩn kỵ khí, nhất là Bacteroides fragilis.

TÁC DỤNG PHỤ:

Thường gặp nhất: tiêu chảy, phát ban.
Hiếm gặp hơn:
Dị ứng: ngứa, mề đay, sốt;
Đường tiêu hóa: buồn nôn, nôn, nấm miệng;
Tại chỗ: viêm tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm tĩnh mạch; đau và viêm tại điểm tiêm;
Thần kinh cảm giác: nhức đầu, dị cảm.
Rất hiếm gặp: phản vệ, hạ huyết áp, giãn mạch, đau bụng, viêm đại tràng, viêm đại tràng có giả mạc, loét ở miệng, phù, đau khớp, lú lẫn, cảm giác chóng mặt, co giật, thay đổi vị giác, ù tai, viêm âm đạo.

LIỀU DÙNG:

Ðiều trị nhiễm khuẩn nặng đường niệu có biến chứng (kể cả có viêm bể thận kèm theo), nhiễm khuẩn nặng ở da và cấu trúc da: người bệnh >12 tuổi, cứ 12 giờ, tiêm tĩnh mạch 2 g, trong 10 ngày.
Ðiều trị viêm phổi nặng, kể cả có nhiễm khuẩn huyết kèm theo: 2 g/lần, ngày 2 lần cách nhau 12 giờ, dùng trong 7 – 10 ngày.

Liều lượng ở người suy thận:
Người bị suy thận (độ thanh thải creatinin < 60 ml/phút), dùng liều ban đầu bằng liều cho người có chức năng thận bình thường.
Tính toán liều duy trì theo độ thanh thải creatinin của người bệnh (đo hoặc ước tính).
Tiêm tĩnh mạch chậm 3 – 5 phút hoặc truyền tĩnh mạch, hoặc tiêm bắp sâu và liều lượng cefepim tùy theo mức độ nặng nhẹ từng trường hợp.

Truyền tĩnh mạch ngắt quãng:
Cho 50 ml dịch truyền tĩnh mạch (v.d. dung dịch natri clorid 0,9%, dextrose 5%, Ringer lactat và dextrose 5%) vào bình thuốc chứa 1 hay 2 g cefepim để có nồng độ thuốc tương ứng là 20 hay 40 mg/ml;
Hoặc pha 100 ml dịch truyền tĩnh mạch vào bình thuốc chứa 1 hay 2 g cefepim thì sẽ có nồng độ tương ứng là 10 hay 20 mg/ml.
Một cách khác là pha 1 hay 2 g cefepim (theo nhãn dán trên lọ thuốc) với 10 ml dịch truyền tĩnh mạch để có dung dịch có nồng độ thuốc tương ứng vào khoảng 100 hay 160 mg/ml.

THÔNG TIN THUỐC – Cefepim

DƯỢC LỰC HỌC:

Thuốc có tác dụng kháng khuẩn do ức chế tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn

DƯỢC ĐỘNG HỌC:

Sau khi tiêm, cefepim được hấp thu nhanh và hoàn toàn; nồng độ đỉnh trong huyết thanh tùy thuộc vào liều và xuất hiện sau khi tiêm 30 phút.
Khoảng 16% liều được gắn vào protein huyết tương không phụ thuộc vào nồng độ thuốc trong huyết tương.
Cefepim thâm nhập vào phần lớn các mô và các dịch (nước tiểu, mật, dịch màng bụng, dịch phế quản).
Trong khoảng liều từ 250 mg đến 2 g, sự phân bố ở mô không thay đổi. ở người bệnh cứ 8 giờ lại tiêm một liều 50 mg/kg, thì nồng độ trong dịch não tủy là 3,3 đến 6,7 mg/lít.
Thể tích phân bố đo ở giai đoạn ổn định là khoảng 18 lít.
Trong cơ thể, cefepim rất ít bị chuyển hóa (chỉ 7% liều).

Nửa đời thải trừ khoảng 2 giờ. Khoảng 80% liều tiêm đào thải theo nước tiểu qua lọc cầu thận; độ thanh thải cefepim của thận là khoảng 130 ml/phút. 85% liều thải dưới dạng không đổi trong nước tiểu.
Ðặc điểm dược động học của cefepim không bị thay đổi ở người cao tuổi có chức năng thận bình thường và ở người bị rối loạn chức năng gan, nên không cần thiết phải giảm liều ở những người bệnh này.
Nửa đời thải trừ của thuốc kéo dài một cách đáng kể ở người suy thận, bởi vậy với những người bệnh này cần giảm liều theo mức lọc cầu thận.

TƯƠNG TÁC THUỐC:

Amikacin kết hợp với cefepim ít gây nguy cơ độc với thận hơn là gentamicin hoặc tobramycin kết hợp với cefalotin.
Tránh dùng đồng thời với furosemid, vì dễ gây điếc.

Huuthanhphar.

Lưu ý: Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo:
Dược thư quốc gia Việt Nam.
Bộ Y tế (2016), Dược lý học, Nhà xuất bản Y học.

Để lại một bình luận