Diclofenac 75mg

TÓM TẮT – Diclofenac

NHÓM THUỐC:

Giảm đau, hạ sốt, kháng viêm không Steroid (NSAIDs).

THÀNH PHẦN:

Diclofenac sodium

CHỈ ĐỊNH:

Ðiều trị ngắn hạn trong những trường hợp viêm đau cấp tính như trong các chuyên khoa tai mũi họng, răng hàm mặt, sản phụ khoa .
Cơn đau bụng kinh.
Sau chấn thương hoặc phẫu thuật.
Cơn migrain.
Đau trong hội chứng cột sống, thấp ngoài khớp.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH:

– Loét dạ dày tá tràng.
– Quá mẫn đã biết với hoạt chất hay tá dược của thuốc.
– Như các kháng viêm không steroid khác, Diclofenac potassium không được chỉ định cho bệnh nhân có cơn hen, nổi mề đay hay viêm xoang cấp do tác dụng của acid acetylsalicylic hay những thuốc khác có hoạt tính ức chế tổng hợp prostaglandin.

LIỀU DÙNG:

Thuốc tiêm:
Tiêm bắp sâu và chậm.
– Liều thông thường: Tiêm 1 ống 75mg x 1 lần/ngày.
– Trong trường hợp nặng: 1 ống 75mg x 2 lần/ngày.
– Nếu cần, bổ sung thêm dạng uống 50mg/ngày. Sau đó, nên điều trị tiếp tục bằng đường uống.
Thuốc viên:

Dùng cho người lớn: liều khởi đầu khuyến cáo dùng mỗi ngày là 100-150mg.

Trong những trường hợp nhẹ hơn cũng như cho trẻ em trên 14 tuổi, thường chỉ dùng 75-100mg/ngày là đủ. Nên chia liều mỗi ngày thành 2-3 lần dùng.

THÔNG TIN THUỐC – Diclofenac

DƯỢC LỰC HỌC:

Diclofenac là một thuốc kháng viêm không steroid có đặc tính giảm đau, kháng viêm và hạ sốt mạnh.

DƯỢC ĐỘNG HỌC:

Hấp thu:
Diclofenac được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn sau khi uống.
Nồng độ tối đa trung bình trong huyết tương là 3,8 micromol/l đạt được sau 20-60 phút sau khi uống một viên thuốc 50 mg.
Uống thuốc khi ăn không gây ảnh hưởng đến lượng diclofenac được hấp thu, mặc dù tác dụng khởi đầu và tốc độ hấp thu có thể kéo dài một ít.
– Phân bố:
Lượng diclofenac liên kết với protein huyết tương là 99,7%, chủ yếu với albumin (99,4%). Thể tích phân phối trong khoảng 0,12-0,17 l/kg. Diclofenac đi vào trong hoạt dịch, nơi có nồng độ tối đa đo được từ 2 đến 4 giờ sau khi đạt được nồng độ tối đa trong huyết tương.
Thời gian bán hủy đào thải từ hoạt dịch là 3-6 giờ. Hai giờ sau khi đạt đến nồng độ tối đa trong huyết tương, nồng độ hoạt chất trong hoạt dịch đã cao hơn nồng độ trong huyết tương, và nồng độ này được duy trì cao hơn so với trong huyết tương cho đến 12 giờ.
– Chuyển hóa:
Chuyển hóa sinh học của diclofenac một phần do sự liên hợp của bản thân phân tử nhưng phần lớn bởi sự hydroxyl hóa và methoxyl hóa một gốc hoặc nhiều gốc, tạo nên một vài chất chuyển hóa phenol (3′-hydroxy-, 4′-hydroxy-, 5-hydroxy-, 4′,5-dihydroxy-, và 3′-hydroxy-4′-methoxy-diclofenac), hầu hết những chất chuyển hóa này được chuyển thành dạng liên hợp glucuronic. Hai trong số những chất chuyển hóa này có hoạt tính sinh học, nhưng với mức độ yếu hơn nhiều so với dicloféna
– Thải trừ:
Toàn bộ thanh thải toàn thân của diclofenac từ huyết tương là 263 ± 56ml/phút (giá trị trung bình ± SD).
Thời gian bán hủy cuối cùng trong huyết tương là 1-2 giờ.
Khoảng 60% liều dùng được đảo thải qua nước tiểu dưới dạng liên hợp glucuronic của hoạt chất và của chất chuyển hóa (hầu hết những chất này cũng được chuyển sang dạng liên hợp glucuronic). Dưới 1% được đào thải dưới dạng không đổi. Phần còn lại được đào thải đưới dạng chất chuyển hóa theo mật qua phân.

TÁC DỤNG:

Diclofenac có tác động khởi phát nhanh chóng làm cho thuốc đặc biệt thích hợp trong việc điều trị các chứng đau và viêm cấp tính.
Tác dụng ức chế sinh tổng hợp prostaglandin đã được kết luận qua các thí nghiệm, được xem như là cơ chế tác dụng cơ bản của thuốc. Prostaglandin giữ vai trò rất lớn trong gây viêm, đau và sốt.
In vitro, diclofenac không làm giảm sinh tổng hợp proteoglycane trong sụn ở các nồng độ tương đương với nồng độ được ghi nhận ở người.
Diclofenac được chứng minh có tác động giảm đau mạnh trong những cơn đau từ trung bình cho đến trầm trọng.
Khi có viêm, ví dụ như viêm do chấn thương hay do can thiệp phẫu thuật, thuốc nhanh chóng làm giảm chứng đau tự nhiên và đau do vận động, và giảm phù nề do viêm và phù nề ở vết thương.
Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy với đau bụng kinh tiên phát, hoạt chất có khả năng làm giảm đau và giảm mức độ xuất huyết.

TÁC DỤNG PHỤ:

– Ðường tiêu hóa: đôi khi: đau thượng vị, các rối loạn tiêu hóa khác như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, co thắt ruột, khó tiêu, trướng bụng, chán ăn; hiếm: xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, phân đen, tiêu chảy có máu), loét dạ dày hay ruột có hay không có xuất huyết hay thủng; cá biệt: viêm niêm mạc miệng, viêm lưỡi, sang thương thực quản, hẹp ruột dạng biểu đồ, bệnh ở phần đại tràng như viêm kết tràng xuất huyết không đặc hiệu và viêm kết tràng có loét tăng nặng hơn hay bệnh Crohn, táo bón, viêm tụy.
– Hệ thần kinh trung ương: đôi khi: nhức đầu, chóng mặt, choáng váng; hiếm: buồn ngủ; cá biệt: rối loạn cảm giác, bao gồm dị cảm, rối loạn trí nhớ, mất định hướng, mất ngủ, kích thích, co giật, trầm cảm, bồn chồn, ngủ có ác mộng, run rẩy, phản ứng loạn tâm thần, viêm màng não vô khuẩn.
– Giác quan: cá biệt: rối loạn thị giác (nhìn mờ, song thị), giảm thính giác, ù tai, rối loạn vị giác.
– Da: đôi khi: nổi ban hay phát ban d; hiếm: nổi mề đay; cá biệt: nổi ban có mụn nước, eczema, ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens- Johnson, hội chứng Lyell (chứng bong biểu bì nhiễm độc cấp), chứng đỏ da (viêm da tróc vảy), rụng tóc, phản ứng nhạy cảm ánh sáng, ban xuất huyết, bao gồm ban xuất huyết dị ứng.
– Thận: hiếm: phù nề; cá biệt: suy thận cấp, bất thường tiết niệu như tiểu ra máu và protein niệu, viêm kẽ thận, hội chứng thận hư, hoại tử nhú thận.
– Gan: đôi khi: tăng aminotransferase huyết thanh; hiếm: viêm gan có hay không có vàng da; cá biệt: viêm gan kịch phát.
– Máu: cá biệt: giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu tán huyết, thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt.
– Quá mẫn: hiếm: phản ứng quá mẫn như hen suyễn, phản ứng phản vệ hay giống phản vệ toàn thân bao gồm hạ huyết áp; cá biệt: viêm mạch, viêm phổi.
– Hệ tim mạch: cá biệt: đánh trống ngực, đau ngực, cao huyết áp, suy tim sung huyết.

TƯƠNG TÁC THUỐC:

– Lithium, digoxin: Diclofenac potassium có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương của lithium hay digoxin.
– Thuốc lợi tiểu: như các kháng viêm không steroid khác, Diclofenac có thể ức chế tác động của thuốc lợi tiểu. Ðiều trị đồng thời với thuốc lợi tiểu giữ kali có thể làm tăng nồng độ kali trong huyết thanh, do đó nên theo dõi khi dùng chung hai loại thuốc này.
– Các kháng viêm không steroid khác: dùng phối hợp các kháng viêm không steroid có thể làm tăng khả năng xảy ra tác dụng ngoại ý.
– Thuốc chống đông máu: mặc dù những thăm dò lâm sàng không cho thấy rằng Diclofenac potassium tác động lên tính chất chống đông, cũng có những báo cáo riêng biệt về sự gia tăng nguy cơ xuất huyết ở bệnh nhân dùng đồng thời Diclofenac potassium và thuốc chống đông máu. Do đó, nên theo dõi cẩn thận những bệnh nhân này.
– Thuốc hạ đường huyết: các nghiên cứu lâm sàng cho thấy Diclofenac có thể được dùng chung với thuốc hạ đường huyết mà không ảnh hưởng đến tác dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, có những trường hợp riêng biệt được báo cáo về tác động tăng đường huyết lẫn hạ đường huyết đòi hỏi phải thay đổi liều lượng của thuốc hạ đường huyết trong quá trình điều trị với Diclofenac.
– Methotrexate: cần cẩn thận nếu thuốc kháng viêm không steroid được dùng dưới 24 giờ trước khi hoặc sau khi điều trị với methotrexate, do nồng độ trong máu của methotrexate có thể tăng và do đó tăng độc tính.
– Cyclosporin: tác động của thuốc kháng viêm không steroid lên prostaglandin thận có thể làm tăng độc tính của cyclosporin trên thận.
– Kháng sinh nhóm quinolone: đã có những báo cáo riêng lẻ về chứng co giật có thể là do sử dụng đồng thời quinolone và thuốc kháng viêm không steroid.

Huuthanhphar.

Tài liệu tham khảo:

Dược thư quốc gia Việt Nam.

Bộ Y tế (2016), Dược lý học, Nhà xuất bản Y học.

Trả lời